Quen biết qua nhiều đồng hương xứ Nghệ tại Hà Nội và trở nên gần gũi với Nhạc sĩ An Thuyên từ gần 20 năm trước, nhưng phải vào những ngày tháng tư năm nay, tôi mới có dịp lần đầu về thăm quê hương của cố Nhạc sĩ tại Quỳnh Lưu - Nghệ An cùng NSƯT Hương Giang, cô cháu gái yêu quý mà ông vẫn thường tự hào giới thiệu với chúng tôi lúc sinh thời.
Đặt chân đến xã Quỳnh Thắng, tôi bị cuốn hút bởi cảnh sắc sơn thủy hữu tình tuyệt đẹp. Những con đường làng rộng mở thêng thang, những vạt rừng xanh chạy quanh ôm trọn hồ Vực Mấu. Những mạch nước của lòng hồ len lỏi qua các đồi keo, đồi dứa như những mạch máu, vô tình tạo nên những ốc đảo xanh thẳm thơ mộng trữ tình. Phải chẳng những mạch nguồn nước mát nơi đây, cùng những điệu ví giặm và câu ca xứ Nghệ đã nuôi dưỡng nên những tâm hồn yêu nghệ thuật và hết lòng vì nghệ thuật như Nhạc sĩ An Thuyên, NSND An Phúc, NSƯT Hương Giang và nhiều thế hệ của dòng họ Nguyễn An nơi đây. Cuộc trò chuyện thân mật với NSND An Phúc trong chuyến thăm Quỳnh Lưu lần này, đã để lại trong tôi nhiều xúc cảm sâu sắc về những hy sinh, sự cống hiến và cả những thành quả của ông trên con đường giữ lửa truyền thống yêu nghệ thuật của gia đình và quê hương xứ Nghệ.
Bén duyên với nghệ thuật từ sớm
Trưởng thành từ một chiếc nôi nghệ thuật, gia đình đã ảnh hưởng nhiều nhất tới lựa chọn của NSND An Phúc. Sự dìu dắt của ông bà nội, bố mẹ và đặc biệt chú ruột là nhạc sĩ An Thuyên - người đã chắp cánh ước mơ, hướng cho ông đi theo con đường nghệ thuật. Tám người em ruột của ông đều có năng khiếu nghệ thuật. Trong đó, người em gái út của ông là Thượng tá, NSƯT Hương Giang - Giảng viên thanh nhạc Trường đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội được biết đến là giọng ca vàng xứ Nghệ, người lan tỏa nhiều ca khúc cách mạng, trữ tình mang âm hưởng dân ca các vùng miền trong và ngoài quân đội.
NSND An Phúc
Tiếp nối con đường nghệ thuật của các thế hệ cha anh, cả bốn người con của ông đều theo học và trưởng thành từ các trường nghệ thuật: Con gái cả của ông là Thuỳ Linh, hiện là Giáo viên dạy âm nhạc tại Nghệ An; chị Kiều Lê, cực sinh viên Trường nghệ thuật Phú Thọ; Diễn viên múa Hiền Lương, hiện công tác tại Đoàn nghệ thuật quân khu 4; Ca sĩ Hải Yến, cựu sinh viên Trường đại học Văn hoá nghệ thuật Quân đội. Ông thường nói vui rằng mỗi lần cả nhà gặp nhau là cứ y như là mở hội âm nhạc. Chỉ có vợ ông - một cô giáo trường làng là làm khán giả ngồi thưởng thức với khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc. Cùng với việc tiếp xúc bộ phim nhựa về Trần Quốc Toản của đoàn chèo Nam Định đã thu hút ông tới với ước mơ nghệ thuật. Ngay từ khi còn nhỏ, NSND An Phúc tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ của xóm làng và thiếu niên. Con đường nghệ thuật của ông ngày càng phát triển khi ông được vào Đoàn chèo Dân ca Nghệ An.
NSND An Phúc là một trong những thế hệ đời đầu của Nhà hát dân ca (hiện là Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ). Trong những giai đoạn đầu theo nghề, dù có nhiều khó khăn song người người nghệ sĩ không hề bỏ cuộc. Tại thời điểm đó, do đời sống không được đảm bảo nên nhiều người không chịu được mà xin nghỉ. Dù vậy, dưới sự ủng hộ của hậu phương, NSND An Phúc vẫn quyết tâm bám nghề tới cùng.
NSND An Phúc trong hình tượng Bác Hồ và một số vai diễn nổi tiếng
Để công chúng tiếp nhận những vở diễn, cũng như là những giai điệu dân ca, ông gặp không ít khó khăn. Xuất thân là nghệ sĩ hát chèo nên khi mới sang dân ca, NSND An Phúc gặp không ít trở ngại, thậm chí là cảm thấy lạc lõng. Vì vậy, ông không ngừng tự rèn luyện bản thân. Cố gắng như vậy hơn một năm, ông thành thục nghề và được giao vai chính.
Trên chặng đường dài làm nghệ thuật, NSND An Phúc luôn tâm niệm và khắc khi câu nói của Bác Hồ: “Người nghệ sĩ là chiến sĩ”. Bởi vậy, ông luôn cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Từng vai diễn của NSND An Phúc là cả sự trăn trở, đam mê.
Những dấu ấn trên con đường nghệ thuật
Chia sẻ cảm nhận về NSND An Phúc, nhạc sĩ Thanh Lựu bày tỏ: “An Phúc là một kép chính có rất nhiều nét nổi trội và hình thể đặc biệt. Cách hát chèo của An Phúc rất khác, không phải ai cũng làm được ngân hột như vậy. Đến khi hát chèo sát nhập với dân ca, những gì tinh túy của dân ca ví, giặm, An Phúc đều hát được cả”.
Với nhạc sĩ Đình Đắc: “Nói đến NSND An Phúc, ngoài năng khiếu thì còn là người rất đam mê học hỏi, lăn lộn. Sau này thì nổi tiếng nhất vẫn là vai Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cứ mỗi chặng đường đi thì anh em thì sướng có, khổ có. Nhưng mà An Phúc khi nào cũng rất vui, khi nào cũng yêu nghề”.
NSND An Phúc và phu nhân
Hơn 40 năm đứng trên sân khấu, NSND An Phúc để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng bởi sự đĩnh đạc, điềm tĩnh. Các vai diễn về Hoàng tử Đức vua, những vị danh nhân lớn trong các tác phẩm "Hoàng tử Si than"; "Hoàng hậu Ba Tư"; "Chuyện tình ông vua trẻ"; "Lý Nhân Tông kế nghiệp"... đã đem lại nhiều giá trị trong sự nghiệp nghệ thuật Việt Nam. Tới năm 2016, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân như là sự ghi nhận dành cho những cống hiến và nỗ lực của người nghệ sĩ gạo cội.
NSND An Phúc gây ấn tượng công chúng với phong thái điềm tĩnh và gương mặt phúc hậu, đặc biệt là trong các vai diễn về Bác Hồ. NSND An Phúc cho biết: “Thực ra, khi tôi nói mình đóng vai Bác Hồ, ai cũng rất ngạc nhiên. Lúc đó tôi béo lắm, tôi trên 70 cân mà Bác Hồ lại gầy. Cứ chiều là tôi không được ăn, tôi nhịn mãi cho đến khi tan kịch thì mới ăn cho bụng nó nhỏ bớt. Tôi nén người lại đấy thì để tạo ra cái hình ảnh Bác Hồ cho nó trọn vẹn”.
Thời điểm đầu, ông gặp nhiều khó khăn khi thể hiện những đặc điểm của nhân vật như tiếng nói, cử chỉ hành động và con người. NSND An Phúc chia sẻ, ông thường nhìn các đàn anh diễn vai Bác Hồ, sau đó rút kinh nghiệm và hòa mình vào nhân vật.
Không những để lại ấn tượng với vai diễn Bác Hồ mà NSND An Phúc còn rất thành công với vai diễn quyền quý như là đức vua hay là hoàng tử. Với lợi thế là hóa trang giống nhân vật, ông dễ dàng đem tới thiện cảm và sự hào hứng với người xem bởi năng khiếu thư sinh.
Kể về những vai diễn đáng nhớ trong cuộc đời làm nghệ thuật, ông nhớ nhất những vai gắn với khán giả. Những nhân vật như Anh Bính, Hoàng tử Si than,.. tới các danh nhân Nghệ An là những vai diễn như vậy. Những vai diễn ấy đồng hành cùng khán giả, để lại trong họ những giá trị tinh thần không thể thay thế.
Có thể khẳng định, để chiếm được cảm tình của khán giả không phải chuyện dễ dàng nhưng NSND An Phúc lại là người làm được như thế.
NSND An Phúc bên gia đình hạnh phúc
Đứng ở vị trí nhân vật, nhập cái hồn của họ vào và thể hiện ngoài thực tiễn, cách người nghệ sĩ thể hiện tốt nhân vật đã chiếm trọn cảm tình của những khán giả khó tính. Để đạt được những thành công như vậy, NSND An Phúc phải đánh đổi rất nhiều. Từ việc hy sinh thời gian cho gia đình, cho tới hy sinh nghề nghiệp. Tuy nhiên, điều đó không cản được ngọn lửa nghề cháy trong lòng người nghệ sĩ.
Giá trị truyền thống tiếp nối
Kể cả khi về nghỉ hưu, NSND An Phúc vẫn đau đáu khi nghĩ về nghệ thuật. Ông tiếp tục đi diễn khi có nơi mời đóng Bác Hồ về thăm quê hoặc kỷ niệm về tỉnh ấy. Hiện ông đang cùng các đồng nghiệp nỗ lực bảo tồn và phát huy những giá trị của dân ca ví giặm trong đời sống nghệ thuật âm nhạc đương đại.
Ngoài ra, ông còn làm cố vấn cho câu lạc bộ và tham gia Hội người cao tuổi. Vào hội, ông xây dựng một đội văn nghệ dành cho các thành viên yêu nghệ thuật. Đây cũng là cách để những con người ấy giải phóng những ngày mệt nhọc, sống tươi trẻ với những đam mê.
Tác giả bài viết lưu niệm cùng NSND An Phúc
Trong quãng thời gian hoạt động dài như thế, NSND An Phúc cho rằng thời gian là thứ ông cảm thấy nuối tiếc vô cùng. “Thời gian làm cho tôi già đi, làm cho tôi hết thời gian phục vụ nhanh quá, mặc dù năng lực mình đang còn dồi dào lắm. Ngày xưa mang gói lên sân khấu, ngày nay cắp cặp lại về quê. Tre già măng mọc là chuyện tất yếu”, người nghệ sĩ gạo cội chia sẻ. Ông cũng nhấn mạnh, thế hệ trẻ cần cố gắng cống hiến cho nghệ thuật, cho đời để về sau không hối hận vì thời gian không chờ đợi một ai và suy cho cùng đời người ta hơn nhau ở việc đã để lại cho đời những giá trị thiết thực.
Hơn 40 năm hoạt động trên sân khấu bằng tất cả tình yêu, sự lao động nghiêm túc và sáng tạo, NSND An Phúc đã có những thành quả nhất định. Với những cống hiến không nhỏ đối với nghệ thuật truyền thống, ông đã để lại những dấu ấn còn mãi với thời gian trong lòng của công chúng.
Có được thành quả trên con đường nghệ thuật như hôm nay, mặc dù đã về hưu, với NSND An Phúc thì đây là niềm hạnh phúc, hãnh diện. Ông nói rằng dù con đường nghệ thuật của mình vất vả thật đấy, khó khăn thật đấy nhưng là một cái kết có hậu. Bởi sau khi tấm màn nhung hạ xuống, ông có một gia đình hạnh phúc: các con thành đạt, ông có người vợ tảo tần một lòng vì chồng, tôn trọng nghề nghiệp của chồng, trân trọng những vai diễn của chồng và ông được khán giả ghi nhớ...!
Chia sẻ với người viết này về người anh trai cả trong gia đình, NSƯT Hương Giang cho biết, cùng với chú ruột An Thuyên, NSND An Phúc - người anh trai cả của mình là một trong những người có ảnh hưởng đến bước đường hoạt động nghệ thuật của mình và anh chị em, con cháu trong gia đình.
"Cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến không mệt mỏi của chú An Thuyên và anh An Phúc cho nghệ thuật đã tiếp thêm cho chúng tôi niềm tin để ngày vững bước trên con đường hoạt động nghệ thuật dù lắm chông gai. Chính những cống hiến của họ đã làm rạng danh tổ nghiệp, thôi thúc chúng tôi phải không ngừng nỗ lực sáng tạo, ngày càng có nhiều đóng góp tích cực cho cộng đồng...", NSƯT Hương Giang chia sẻ.
Link nội dung: https://www.thuonghieuvasacdep.vn/chuyen-it-biet-ve-nsnd-an-phuc-anh-ruot-nsut-huong-giang-a690.html